Trẻ cứ đi học là ốm, ho, sốt, sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản liên tục – Cha mẹ cần ứng phó như thế nào?
“Ở nhà với mẹ mãi không sao nhưng cứ đi học là con ốm. Đi học được 2 ngày thì lại nghỉ ốm 1-2 tuần”. Đây chính là “hội chứng nhà trẻ” mà hầu như cha mẹ nào có con cũng gặp phải. Vậy, làm thế nào để khắc phục hội chứng này ở trẻ?
Hội chứng nhà trẻ - Tưởng lạ nhưng quen
Từng không phải lo lắng con ốm vặt, thế nhưng giờ chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) luôn cảm thấy stress khi bé nhà chị mới đi học 2 tháng mà tuần nào cũng ốm. "Trước con ở nhà với bà, bé không ốm nhiều như bây giờ. Mới đi học được 2 tháng mà gần như tuần nào con cũng phải nghỉ ốm 1-2 hôm. Có đợt còn nghỉ nguyên cả tuần. Lúc thì nôn, tiêu chảy, lúc lại ho, viêm họng, khi thì sốt. Vợ chồng mình rất lo lắng, phải thay nhau nghỉ chăm con”, chị Minh chia sẻ thêm.
Thực tế, không chỉ riêng chị Minh, mà rất nhiều bố mẹ có con mới đi học hoặc đi học lại sau 1 thời gian dài đều gặp phải tình trạng này. Các chuyên gia gọi đây là “hội chứng nhà trẻ” (Daycare syndrome) ở trẻ.
“Hội chứng nhà trẻ” là tình trạng lặp lại các triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi hoặc ho…, thường gặp ở trẻ nhỏ trong khoảng 1-2 năm đầu tiên khi trẻ đi học.
Theo các chuyên gia, “hội chứng nhà trẻ” thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi. Trong một năm, trẻ bị trung bình từ 6 đến 8 lần nhiễm virus hô hấp trên. Ở những trẻ có đề kháng kém, bệnh có thể lặp lại mỗi tháng một lần.
Lý do là bởi trẻ đi nhà trẻ, mầm non sinh hoạt trong một không gian giới hạn và tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Trẻ rất dễ bị lây bệnh từ bạn học khác. Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này đang trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Do đó, đề kháng chưa đủ mạnh để phản xạ chống lại sự tấn công của các mầm bệnh.
“Khoảng trống miễn dịch” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến “hội chứng nhà trẻ” ở trẻ
Rõ ràng, trẻ đi học có tần suất nhiễm bệnh nhiều hơn trẻ được chăm sóc tại nhà. Nhiều trẻ chưa khỏi bệnh hoàn toàn đã tiếp tục mắc bệnh đợt mới, khiến thể trạng ngày càng suy yếu, ốm đi ốm lại, mãi không khỏi. Trẻ ốm nhiều làm ảnh hưởng tới tài chính của bố mẹ và cả sức khỏe, tâm lý của con. Chính vì vậy, điều cấp thiết cha mẹ cần làm là giúp con vượt qua “hội chứng nhà trẻ” để trẻ khỏe mạnh phát triển.
Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua “hội chứng nhà trẻ”?
“Hội chứng nhà trẻ” khiến nhiều phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ đi học quá sớm. Tuy nhiên, điều này là không đúng, bởi hội chứng này thường xảy ra khi trẻ mới tới trường hoặc đi học lại sau 1 thời gian dài. Cho nên, dù sớm hay muộn thì trẻ cũng phải đối mặt với “hội chứng nhà trẻ”.
Chính vì vậy, để giúp con vượt qua hội chứng này một cách dễ dàng, cha mẹ cần trang bị cho con những điều sau đây:
- Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học cho trẻ: Khi mới thay đổi môi trường, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, khóc nhiều, thậm chí là bỏ ăn và có tâm lý sợ đi học. Do đó, cha mẹ nên trò chuyện, chia sẻ với trẻ về những điều thú vị ở trường học, đồng thời trấn an những lo lắng ở trẻ.
- Xây dựng cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh: Cụ thể, dạy trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi cầm nắm vào các vật dụng công cộng như đồ chơi chung, tay nắm cửa… Dặn trẻ không đến những nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, không cho trẻ mút ngón tay, ngón chân và núm vú giả,..
- Tăng đề kháng cho trẻ: Khi đi học, trẻ tăng tiếp xúc với nguồn lây nhiễm như virus, vi khuẩn nên nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên. Hơn nữa, trẻ đang ở giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, đề kháng còn non yếu, chưa đủ mạnh để chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần “nâng cấp” thể trạng cho trẻ, hình thành hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Các chuyên gia đánh giá tăng đề kháng chính là yếu tố quan trọng nhất để giúp trẻ vượt qua “hội chứng nhà trẻ”. Chỉ có xây dựng một bộ máy miễn dịch vững vàng mới có thể giúp cơ thể “đánh bại” các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Thế nhưng, tăng đề kháng cần đúng cách, đúng phương pháp thì mới đem lại tác dụng tối ưu nhất.
Nguồn:https://arttimes.vn/thong-tin-doanh-nghiep/tre-cu-di-hoc-la-om-ho-sot-so-mui-viem-hong-viem-phe-quan-lien-tuc-cha-me-can-ung-pho-nhu-the-nao-c60a12056.html