Đăng ký nhập học

Phương pháp dạy trẻTự Kỷ Đương Đầu với Sự Trêu Chọc, Bắt Nạt, Áp Lực Kết Bạn ở Nhà Trường

Dạy Con Tự Kỷ Đương Đầu với Sự Trêu Chọc, Bắt Nạt, Áp Lực Kết Bạn ở Nhà Trường

Danang Ho & Tom H. (phụ huynh)

“Tôi thường bị bắt nạt trong quá khứ vì không muốn nhập bọn hay nghe theo người khác. Tôi không có thói giả vờ nếu không thích điều gì đó, và đây là một trong những lý do khiến mọi người xa lánh, không muốn kết bạn với tôi.” – Luke Jackson, Freaks, Geeks, and Asperger Syndrome.

*

Con em tự kỷ thường là những con mồi dễ bị săn đuổi để trêu chọc và ức hiếp bởi những trẻ và học sinh không bị khuyết tật. Các em tự kỷ dạng cao (high-functioning ASD), càng có cơ hội hòa nhập trong những môi trường giáo dục thường chừng nào thì càng dễ bị chúng bạn chế nhạo và bắt nạt hơn so với các em tự kỷ dạng thấp (low-functioning ASD), ít có hòa nhập, và phải theo học các lớp cách ly trong chương trình giáo dục đặc biệt ở nhà trường.

Lý do con em tự kỷ dễ bị khinh khi, hà hiếp là vì sự “mù trí” (mind-blindness), không có khả năng nhận hiểu những biểu hiện hoặc cử chỉ tinh tế không bằng lời của người khác trong giao tiếp xã hội (social cues). Thêm vào đó, những trở ngại, nhầm lẫn, âm giọng đơn điệu khi diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ, những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại, tính khăng khăng muốn giữ nguyên nề nếp, thói quen hằng ngày, hoặc bởi những sở thích khác thường, luôn bận tâm với những chủ đề, hoạt động nào đó, hay bởi những động tác tự kích như lắc mình, dang tay vỗ cánh chim bay, đi nhón chân, di chuyển chậm chạp, hay bởi những phản ứng khi bị rối loạn cảm giác, muốn cô lập và không thích hòa đồng với các trẻ khác cũng là những nguyên nhân khiến con em tự kỷ “nổi bật”, thu hút sự chú ý và dễ dàng trở thành nạn nhân của sự trêu chọc, ức hiếp.

Sự trêu chọc, ức hiếp có thể xảy ra bằng sự châm biếm, bằng sự nhiếc mắng của giáo viên qua lời nói trong lớp học, bằng sự trừng phạt bạo lực của các bảo mẫu, hoặc bằng những hình thức khôn ngoan, tàn độc như bị các bạn không bị khuyết tật khai trừ ra khỏi nhóm học tập, không cho phép được sinh hoạt chung. Tùy vào mức độ khuyết tật, khi còn nhỏ, sự ngược đãi, hành hung của các bạn cùng trường thường dựa vào giới tính, nhưng khi lớn lên thì sự ức hiếp luôn xảy ra cho cả nam lẫn nữ, nhất là vào chặng tuổi trưởng thành thì con em tự kỷ có nguy cơ bị kẻ xấu gạt gẫm, quấy nhiễu tình dục, v.v...

Con em tự kỷ dạng Asperger có nguy cơ bị bắt nạt cao gấp 4 lần so với những trẻ bình thường. Điều nầy dễ gây tổn thương cho trẻ về mặt tâm lý, chẳng hạn sinh bệnh trầm cảm, căng thẳng, uẩn ức khiến trẻ sinh tính cộc cằn, hung hăng, không thể tự kiểm soát hành vi của mình.

Nói về sự bắt nạt, trêu chọc, động cơ của kẻ xấu chính là muốn áp đặt quyền lực lên trên người cô thế. Bao giờ cũng vậy, đám học trò nham hiểm luôn rình rập con em tự kỷ vào những thời điểm và những nơi ít có giáo viên hay người lớn quan sát, đặc biệt là vào giờ nghỉ ở nơi vắng vẻ trên sân trường, ở cuối hành lang, phòng vệ sinh, phòng sinh hoạt thể thao, trên xe buýt, trên đường đi bộ về nhà, hoặc sau giờ học ở công viên, sân chơi tập thể.

Còn về vấn đề bị áp lực của bạn học, phụ huynh thường lo sợ con em sẽ bị sự cám dỗ, sa ngã vì ma túy, lợi dụng tình dục và bị những ảnh hưởng tiêu hưởng tiêu cực khác. Trong phim ảnh và tiểu thuyết, những vai diễn đi bắt nạt người khác được thể hiện qua những nhân vật có nắm đấm mạnh mẽ, thân hình vạm vỡ, ăn nói thô tục, và có nhiều đàn em vây quanh (classic figure). Nhưng trong đời sống thật, kẻ bắt nạt có thể là đứa trẻ ngồi cạnh con mình trong lớp học, lúc nào cũng tỏ vẻ hiền ngoan. Nhiều chuyện xảy ra theo lời kể của phụ huynh trên mạng cho thấy con em tự kỷ hay bị lợi dụng vì sự ngây thơ, dễ tin, không biết phân biệt ai là người tốt xấu. Vì áp lực của bạn bè, thường là từ những người mẫu (peer models) được phụ huynh, giáo viên tuyển chọn, tin yêu và ngưỡng mộ nhất, khiến con em tự kỷ dễ bị gài bẫy để thực hiện những trò cười lố bịch trước công chúng, hay bị thách thức để hành động làm vừa lòng kẻ xúi dục, ví dụ, vỗ mông, hôn tóc, tốc váy nữ sinh, kéo còi báo động, vào nhà ăn ở trường đánh cắp kẹo bánh ...

Đa số con em tự kỷ không biết cách cậy nhờ người tốt giúp đỡ, hoặc sợ bị trả thù, không dám báo cáo với phụ huynh và giáo viên khi bị trêu chọc, ức hiếp bởi kẻ xấu. Tệ hại hơn, nhiều phụ huynh không hề biết con mình bị bắt nạt mỗi ngày ở nhà trường cho đến khi các em có những dấu hiệu trầm cảm, lo âu thì mới vỡ lẽ và phải nhờ đến sự trị liệu của các chuyên gia tâm lý để ngăn ngừa những ý nghĩ bạo lực có tính cách hại người và hại chính bản thân.

Đôi khi, phụ huynh và giáo viên nghĩ rằng sự hiềm khích xảy ra bình thường (normal peer conflicts) giữa con em tự kỷ và các bạn không có nghĩa là con em bị ức hiếp và họ không quan tâm. Một người mẹ kể, đứa con trai tự kỷ bị các bạn cùng trường gọi là “đứa thiểu trí” (retard), bèn thuật lại với giáo viên thì bị mắng vốn … “Trò mới là kẻ gây chuyện (You bring it on yourself) vì trò chẳng giống ai, dễ khiến người khác bực mình!”

Thật ra, con em tự kỷ không chỉ là nạn nhân của bạn học, các em còn là nạn nhân của các giáo viên, người hàng xóm, bà con, và cả anh chị em trong gia đình. Sự trêu chọc và ức hiếp trẻ tự kỷ có thể xảy ra trong bất cứ lớp học nào ở cấp 2 (junior high school), và đây là lý do khiến một số phụ huynh quyết định cho con được học ở nhà (home school) để tránh rắc rối với nhà trường về sau.

Đâu cũng vậy, các em học sinh từ cấp 2 trở lên bao giờ cũng muốn có nhiều bạn theo mình. Một số kết bạn để chọc phá thầy cô và bắt nạt những cá nhân “dị hợm” ở nhà trường. Theo thống kê của The National Institute of Child Health and Human Development, chừng 29% trong số 15,000 học sinh trong mẫu nghiên cứu chung thú nhận mình từng là kẻ đi hiếp đáp hoặc bị hiếp đáp ở nhà trường. Một thống kê khác của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ vào năm 2012 cũng cho thấy hơn 46 % học sinh khuyết tật trong chương trình giáo dục đặc biệt là nạn nhân của sự bắt nạt, và tệ trạng nầy gắn liền với văn hóa học đường ở hầu hết các trường phổ thông, rất khó tránh khỏi.

Phần lớn sự trêu chọc, ức hiếp xảy ra đối với các học sinh có ít bạn, chỉ muốn sinh hoạt lẻ loi. Các chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng cách hay nhất để ngăn ngừa sự hiếp đáp ở nhà trường chính là phụ huynh nên bàn luận với con về vấn đề nầy trước khi sự việc xảy ra bằng kinh nghiệm của chính mình khi còn nhỏ, và nếu con em tự kỷ không lên tiếng, nói cho phụ huynh hay giáo viên biết thì bản thân và nhiều bạn khác ở trường sẽ mãi là nạn nhân của kẻ xấu. Nếu nghi ngờ con em bị ức hiếp, trêu chọc ở trường nhưng không đủ khả năng ngôn ngữ để thuật chuyện với người khác, phụ huynh nên kiếm cớ, ngấm ngầm theo dõi (lurk around) con em vào những giờ chơi, giờ ăn trưa, và những giờ sinh hoạt khác bên ngoài lớp học. Hoặc, phụ huynh có thể yêu cầu giáo viên, phụ giáo trong chương trình giáo dục đặc biệt nhận định và góp ý về cách đối xử của các bạn đối với con mình ra sao. Ngoài ra, con em tự kỷ cần được hướng dẫn để biết ai là người đáng tin cậy, cần báo cáo khi bị trẻ xấu thường xuyên quấy rối ở trường. Và, nếu phụ huynh có những lo lắng về sự an toàn của con em thì nên mạnh dạn yêu cầu có những cuộc họp với giáo viên hay ban giám hiệu để nhờ họ tận tình giúp đỡ.

10 điều dạy con tự kỷ đối mặt với bạn xấu

1) Dạy con cách nói cho người lớn biết mỗi khi bị bạn xấu trêu chọc và ức hiếp.

2) Nếu bị khuấy nhiễu vào giờ nghỉ, nên dạy con tìm cách đến gần người lớn hoặc chơi gần nhiều trẻ khác.

3) Nếu tiếp tục bị làm phiền, hãy dạy con la to “Dừng lại! (Stop!)” rồi quay người lại và bước đi thật nhanh.

4) Trước khi bỏ đi, con nên để ý ai là người đứng gần để sau nầy nhờ họ làm nhân chứng.

5) Thay vì trả đủa bằng lời lẽ cay độc, chẳng hạn, “Bạn mới là đồ khùng!”, hãy dạy con nói với bạn xấu, “Lùi lại đi! (Back off!)”.

6) Nếu ai đó muốn con hành động điều gì kỳ lạ, hãy dạy con suy nghĩ, không nên làm theo, và nói, “Bạn tự mình làm đi!”

7) Dạy con phải tránh xa, không nên tìm cách làm vừa lòng bạn xấu.

8) Dạy con biết lựa chọn và kết bạn với những trẻ không nổi bật, nhưng hiền lành và cần bạn.

9) Dạy con phải ngừng ngay hành động nào đó, nếu người khác một mực yêu cầu.

10) Hướng dẫn con biết quan sát và bắt chước cách hành xử tốt đẹp của bạn học trong các môi trường sinh hoạt, học tập khác nhau.

Con em tự kỷ biết đối đầu với kẻ ức hiếp và trêu chọc thì sẽ ít có cơ hội trở thành nạn nhân. Phụ huynh kể, mỗi ngày trước khi chia tay với con ở cổng trường, họ dạy con nên tránh đối mặt và chống trả bằng sự đánh đấm với trẻ xấu. Đứa bắt nạt bao giờ cũng muốn giữ danh tánh bí mật, vì vậy, họ tập con biết kêu la lớn tiếng nhằm thu hút sự chú ý và hỗ trợ của mọi người chung quanh. Các chuyên gia nói, nếu có bằng chứng cho thấy con em bị hiếp đáp ở nhà trường, phụ huynh nên yêu cầu giáo viên hay ban giám hiệu phải có những biện pháp thích nghi để hỗ trợ các em. Ví dụ, trẻ cần được ngồi gần giáo viên (preferential seating) nếu bị ức hiếp trong lớp học, hay nếu bị trêu chọc trong thời gian đổi tiết học, vào giờ ăn trưa, trên xe buýt thì phụ huynh phải yêu cầu giáo viên, phụ giáo quan sát và canh phòng ở những nơi dễ sinh chuyện nhằm giảm thiểu nguy cơ của con em tự kỷ bị hành hung hay quấy rối.

Người ta nói, “Sân trường là nơi ma qủy hiện hình khi không có người lớn quan tâm – Idle hands are the devil’s playground.” Ở Hoa Kỳ, phụ huynh có con em khuyết tật không bao giờ bỏ qua sự trêu chọc và ức hiếp, cho dù là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, khi báo cáo sự việc với nhà trường, họ thường tế nhị và tìm cách giải quyết vấn đề với giáo viên đặc biệt trước khi yêu cầu sự can thiệp của ban giám hiệu và nhóm soạn thảo chương trình giáo dục cá nhân (IEP), rồi mới khiếu nại với Văn Phòng Đặc Trách Dân Quyền (OCR), hay cầu cứu với cảnh sát địa phương …

Nguồn:

- Perfect Targets: Asperger Syndrome and Bullying by Henrichs R. (2003)

- Middle-Class Mothers’ Perceptions of Peer and Sibling Victimization among Children with Asperger’s Syndrome and Nonverbal Learning Disorder. Issues in Comprehensive Pediatric Nursing by Little L. (2002)

- The Complete Guide to Asperger’s Syndrome by Attwood T (2008)

- Asperger Syndrome and Bullying by Dubin, N., & Carley, M.J. (2007)

- Growing Up On The Spectrum (2009) by Lynn Kern Koegel, Ph.D.

- Bulling: How to Deal with Taunting, Teasing and Tormenting by Kathleen Winkle (2005)

- And Words Can Hurt Forever (2002) by James Garbarino, Ph.D.

- Standing Up to Experts and Authorities (2010) by Sharon Presley, Ph.D.

- Asperger Syndrome: The Oasis Guide (2014) by Patricia R. Bashe

- Mạng Stopbullying.gov.


Hỗ trợ trực tuyến

Tiến Sĩ: Đỗ Thị Thảo

0912720496 - 0983889552

Hiệu Trưởng: Đỗ Thị Thường

0948458285 - 0968622900

P.Hiệu Trưởng: Nhữ Thị Lưu

0986088658

 

Từ khóa: