Đăng ký nhập học

Bệnh tự kỷ ở trẻPhương pháp dạy trẻ tự kỷtrường dạy trẻ tự kỷNhận biết trẻ tự kỷtrung tâm dạy trẻ tự kỷ trẻ tự kỷ

sự khác biệt giữa rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

 Phụ huynh tìm hiểu sự khác biệt giữa rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

Danang Ho (phụ huynh)

"Ngày nay, con em mình có thể có chẩn đoán vừa bị tự kỷ, vừa bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đi kèm, các bạn ạ. Tiếng Anh gọi là 'co-morbid condition' hay 'double whammy'. Buồn!"

Ở Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang đòi hỏi trẻ phải có hồ sơ chẩn đoán tự kỷ hay ADHD, hoặc cả hai, trước khi họ cung cấp những dịch vụ thuộc chương trình giáo dục sớm. Người Mỹ rất khác với phụ huynh mình, bởi họ cho rằng thà con em có sự chẩn đoán lệch lạc (false positive diagnosis) còn hơn bị trì hoãn những dịch vụ can thiệp sớm cho con em trong chặng tuổi vàng.

Những chuyên gia/bác sỹ được công nhận có khả năng và trình độ chẩn đoán tự kỷ, ADHD thường là các bác sỹ nhi đồng chuyên về phát triển và hành vi (developmental-behavioral pediatrians, viết tắt D-BP), các bác sỹ tâm thần khoa nhi (child psychiatrists), các bác sỹ khoa nhi chuyên về não bộ (child neurologists), các chuyên gia tâm lý nhi đồng (child psychologists), các chuyên gia tâm lý/giáo dục học đường (educational/school psychologists) v.v…

Phụ huynh cần lưu ý rằng trong vấn đề chẩn đoán tự kỷ hay tăng động giảm chú ý, các bác sỹ, chuyên gia thường dựa vào hồ sơ bệnh và qua lời tường thuật của phụ huynh, giáo viên, nhất là qua sự quan sát chuyên môn của họ về những biểu hiện của trẻ trong phòng khám. Họ không dựa vào những thử nghiệm y học để đi đến kết luận tự kỷ hay ADHD. Cho nên, sự chẩn đoán của họ có phần chủ quan, hối hả, mang nặng tính thương mại, và rất hiếm khi có sự trùng hợp về một dạng khuyết tật nào đó. Nghĩa là, bác sỹ/chuyên gia nầy có thể chẩn đoán một đứa trẻ bị tự kỷ điển hình, nhưng các chuyên gia/bác sỹ kia có thể cho rằng trẻ thuộc chứng tăng động giảm chú ý , bị khuyết tật trí tuệ, hay thuộc về những chứng rối loạn tâm thần khác.

Tuy nhiên, sự trung thực, không dấu diếm của phụ huynh về những khiếm khuyết của con em mình đóng góp một phần rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán. Vì vậy, cách hay nhất là phụ huynh nên chuẩn bị thật đầy đủ và cung cấp những thông tin chính xác khi trả lời những câu hỏi có tính sàng lọc, nghe rất ư là nhàm chán của các chuyên gia/bác sỹ.

Rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý

Vấn đề chẩn đoán tự kỷ, ADHD và những rối loạn tâm thần khác đi kèm là điều không đơn giản, dễ nhầm lẫn hay bị bỏ sót vì sự giới hạn về kinh nghiệm và kiến thức tổng quát của các chuyên gia, bác sĩ. Nhiều người cho rằng một cá nhân tự kỷ hay ADHD thì sẽ đuợc “miễn nhiễm”, và không thể nào có chẩn đoán bị các hội chứng khác (diagnostic overshadowing). Điều nầy không đúng. Bởi vì, những nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 50% trẻ và người lớn bị tự kỷ có những rối loạn tâm thần khác đi kèm (comorbidity), đặc biệt nhất là ADHD.

Trẻ tự kỷ và trẻ tăng động giảm chú ý bao giờ cũng có những đặc tính, khiếm khuyết chung, chòng chéo nhau về mặt giao tiếp xã hội, thiếu sự chú ý, và thiếu khả năng xử dụng ngôn từ. Sự giống nhau về đặc tính và biểu hiện nầy là một đề tài sôi nổi để các chuyên gia tha hồ bàn luận.

Ở Hoa Kỳ, qua những nghiên cứu trước năm 2013, các chuyên gia tự kỷ và ADHD cho rằng đa số những đứa trẻ tăng động giảm chú ý không hội đủ điều kiện hay tiêu chuẩn tự kỷ, nhưng ngược lại, những đứa trẻ tự kỷ thì có thể hội đủ tiêu chuẩn hay điều kiện dành cho trẻ tăng động giảm chú ý.

Theo qui định của Cẩm Nang Thống Kê và Chẩn Bệnh Tâm Thần (DSM-IV), một đứa trẻ tự kỷ không thể có thêm cái mác (label) tăng động giảm chú ý, bởi vì những tiêu chuẩn dành cho tự kỷ đã bao gồm những điều kiện về mặt thiếu tập trung. Nhiều chuyên gia phản đối và không đồng ý với qui định nầy trong DSM –IV.

Tiến Sỹ Fein và đồng sự (Fein et al., 2005) báo cáo rằng có nhiều trẻ khi còn nhỏ đã có chẩn đoán tự kỷ, nhưng khi lớn lên lại lộ rõ nét tăng động giảm chú ý hơn là tự kỷ điển hình hoặc Asperger.

Marcel Kinsbourne, một bác sỹ tâm thần khoa nhi, rất nổi tiếng ở Mỹ, gợi ý rằng tự kỷ và chứng tăng động giảm chú ý có nhiều đặc tính và biểu hiện trùng hợp, bởi vì chúng cùng liên quan đến một hệ thống não bộ (the same brain systems). Vì vậy, những phương cách dạy dỗ trẻ năng động/thiếu tập trung trong những chương trình can thiệp sớm cũng rất hiệu quả đối với trẻ tự kỷ.

Rối loạn phổ tự kỷ không phải là chứng tăng động giảm chú ý?

Hiện tại, các chuyên gia khẳng định rằng ADHD không phải là tự kỷ, cho dù 2 hội chứng nầy có rất nhiều sự chòng chéo lẫn nhau, rằng trẻ bị tự kỷ vẫn có nhiều nguy cơ bị chứng tăng động giảm chú ý và ngược lại.

DSM hiệu đính lần thứ 5 năm 2013 đã chính thức cho phép các chuyên gia, bác sỹ chẩn đoán một đứa trẻ vừa bị tự kỷ, vừa bị ADHD (double whammy).

Các phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ, chẳng hạn ABA, thường chú trọng về sự cải biến các hành vi tiêu cực, làm giảm thiểu sự lặp đi lặp lại, phát triển ngôn ngữ, v.v… Riêng về sự trị liệu ADHD, các chuyên gia thường quan tâm đến các phương pháp đặt nặng mục tiêu giáo dục trẻ về khả năng tập trung và tổ chức, và thêm vào đó là các loại thuốc tâm thần, chẳng hạn risperdol, với điều kiện trẻ tự kỷ phải có chẩn đoán đi kèm với ADHD, bởi vì các loại thuốc tâm thần dành cho ADHD sẽ không có hiệu quả với trẻ tự kỷ.

Sự chòng chéo hoặc giống nhau giữa tự kỷ và chứng tăng động giảm chú ý

Thiếu tập trung và chú tâm quá mức bình thường: Trẻ có chẩn đoán tự kỷ hoặc ADHD thường giống nhau về sư lơ là, thiếu tập trung trong các sinh hoạt, học tập hang ngày. Dù vậy, các em nầy rất giống nhau về sự chú tâm quá mức (hyperfocus), nếu đó là đề tài, sở thích, hoặc đồ vật được các em ưa chuộng.

Những hành vi tăng động (hyperactive behavior): Trẻ tự kỷ và ADHD đều có tính tăng động giống nhau. Ví dụ, các em ưa cựa quậy, ngồi không yên, di chuyển không ngừng, thích nói huyên thuyên.

Bốc đồng (impilsivity): Trẻ tự kỷ và ADHD có những hành động bất chấp hậu quả. Ví dụ, các em thích xen vào các hoạt động của bạn học, có những hành vi nguy hiểm, hung tợn, tự gây thương tích cho mình và cho người khác.

Rối loạn về cảm giác (sensory processing disorder): Sự nhạy bén về cảm giác (sensory sensitivities) được hiểu như là những cảm giác vượt quá sự chịu đựng, gây điên tiết hay đau đớn cho trẻ tự kỷ và trẻ bị ADHD trong quá trình tiếp nhận những tác động từ môi trường sống, chẳng hạn các em không thích nghe tiếng trẻ khóc, tiếng chó sủa, tiếng bánh xe, tiếng máy hút bụi, chuông trường reng, còi báo động, còi xe cứu thương, cảnh sát, chữa lửa, nghe giọng cao rít, nghe người khác nhai đồ ăn trong miệng, nghe tiếng quạt, hoặc tiếng máy điều hòa không khí, không thể chịu đựng khi nhìn một số màu sắc hay ánh đèn nào đó không thích vỗ về từ phía sau một cách bất ngờ, không thích được ôm chầm, bắt tay, không thích áo quần chật, vải cứng, không thích sờ vật thể quá mềm hay quá cứng, hoặc ẩm ướt như đất sét, không thích ngửi một số mùi thức ăn, mùi dầu thơm, mùi thuốc xì gà, thuốc lá, không thích các thức ăn như cà rốt, hành, đậu hay những thức ăn mềm như pudding, Jello-O, jelly có thể gây trẻ mắc nghẹn, ói mửa.

Ngoài ra, trẻ tự kỷ hay ADHD nhiều lúc tỏ ra mặc nhiên, thiếu phản ứng về cảm giác, không tỏ vẻ đau đớn khi bị té trầy, dập mặt, dập tay chảy máu. Hoặc cũng có khi các em phản ứng mạnh về cảm giác đối với ánh đèn, tiếng động, tiếng máy bằng cách bịt tai và cúi mặt khi nghe những âm thanh mà người khác ít khi chú ý, chẳng hạn âm thanh rè rè phát ra từ đèn điện, v.v…

Về hành vi (behavioral problems): Trẻ tự kỷ và ADHD đều có những trở ngại về hành vi khiến các em rất khó kết bạn và gặp nhiều khó khăn về mặt sinh hoạt, học tập ở gia đình và trường học.

Khiếm khuyết chung về khả năng giao tiếp xã hội (impaired social skills): Một trong nhiều lý do khiến trẻ tự kỷ hoặc ADHD khó kết bạn và hòa nhập ở nhà trường chính là vì các em không hiểu được những qui luật về sự nhập cuộc, gợi ý, trao đổi ý nghĩ có tính cách hai chiều trong giao tiếp xã hội.

Sự khác biệt giữa tự kỷ và ADHD

- Khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ bị ADHD thường ít bị trở ngại hay khó khăn so với trẻ tự kỷ, ngoại trừ trường hợp các em có chẩn đoán bị khuyết tật học tập hay chứng rối loạn về ngôn ngữ đi kèm với ADHD.

- So với trẻ ADHD, trẻ tự kỷ khó có khả năng nhận hiểu ngôn ngữ không bằng lời qua sắc mặt, cử chỉ, điệu bộ cơ thể, qua lời lẽ mỉa mai, châm biếm của người khác.

- So với trẻ tự kỷ, khả năng về ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội (pragmatic language skills) của trẻ có chẩn đoán ADHD không bị khiếm khuyết nghiêm trọng.

- Mặc dù trẻ bị ADHD nhiều khi không quan tâm đến ý nghĩ hay cảm nghĩ của người khác, nhưng khả năng biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (Theory of Mind) vượt xa trẻ tự kỷ rất nhiều. Ngày xưa, chuyên gia Uta Frith đã từng áp dụng bài Sally-Ann Test để chứng minh lý thuyết “Theory of Mind” về sự mù trí của trẻ tự kỷ.

- So với trẻ tự kỷ, trẻ bị ADHD có thể giao tiếp bằng mắt (eye contact), biết dùng tay chỉ trỏ, chia sẻ sự chú ý, thích thú, cảm nghĩ của mình với người khác, tương đối dễ kết nối và thích gần gũi với mọi người hơn.

- So với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý, trẻ tự kỷ ít có động cơ thực hiện công việc cho dù được sự khuyến khích và khen thưởng của người lớn. Cùng sinh hoạt trong lớp học, nhưng những tiếng động bình thường bên ngoài (external) có thể chi phối sự chú ý của trẻ bị rối loạn tăng động nhiều hơn so với trẻ tự kỷ - trẻ tự kỷ luôn bị cuốn hút bởi ý nghĩ, sở thích trong thế giới riêng tư (internal), chỉ thích đồ vật và không có hứng thú tìm bạn hay nhóm bạn.

Nói chung, ở gia đình và trường học, khác với trẻ tự kỷ, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý không thích chơi một mình, không có những hành vi rập khuôn, cử chỉ lặp đi lặp lại, đặc biệt là có khả năng giao tiếp bằng mắt, đối thoại, và trao đổi cảm xúc hai chiều.

Phản ứng với thuốc tâm thần là cách phân biệt trẻ tự kỷ và ADHD?

Từ lâu, một số chuyên gia, bác sỹ cho rằng sự phản ứng của thuốc tâm thần có thể là cách nhận ra sự khác biệt giữa trẻ bị ADHD và trẻ bị tự kỷ, bởi vì thuốc tâm thần chỉ có hiệu quả đới với trẻ bị ADHD, và hầu như vô hiệu quả đối với trẻ bị tự kỷ.

Còn tiếp ...

Nguồn:
Autism v. ADHD
https://www.healthcentral.com/…/is-it-adhd-or-an-autism-spe…
Autism vs. ADHD: A Parent’s Guide to Tricky Diagnoses By Eileen Costello
https://www.additudemag.com/autism-vs-adhd-symptoms-in-chi…/
http://www.differencebetween.net/…/difference-between-adhd…/
http://www.everydaywithadhd.com.au/…/ASD_ADHD_Brief_Compari…
I’ve Heard That Autism and ADHD Are Related. Is That True? 
By Elizabeth Harstad - Developmental Behavioral Pediatrician, Boston Children’s Hospital 
https://www.understood.org/…/ive-heard-that-autism-and-adhd…

 


Hỗ trợ trực tuyến

Tiến Sĩ: Đỗ Thị Thảo

0912720496 - 0983889552

Hiệu Trưởng: Đỗ Thị Thường

0948458285 - 0968622900

P.Hiệu Trưởng: Nhữ Thị Lưu

0986088658

 

Từ khóa: