Đăng ký nhập học

Bệnh tự kỷ ở trẻPhương pháp dạy trẻ tự kỷtrường dạy trẻ tự kỷNhận biết trẻ tự kỷtrung tâm dạy trẻ tự kỷ trẻ tự kỷ

KHẢ NĂNG NHẬN THỨC CỦA TRẺ TỰ KỶ

Thuật ngữ nhận thức có liên quan đến khả năng hiểu và nhận biết của chúng ta về môi trường. Đối với trẻ sơ sinh, điều này có nghĩa là có được những thông tin cơ bản nhất về các khía cạnh của cuộc sống và về mối quan hệ của trẻ đối với thế giới. Chẳng hạn như, trong năm đầu tiên của cuộc sống trẻ học những dồ vật liên quan đến trọng lượng, kích cỡ, mùi vị và cảm giác

 TS. Ngô Xuân Điệp

Trưởng Khoa tâm lý học, ĐHKHXH&NV Tp. HCM

Cố vấn chuyên môn Trường Chuyên biệt Bim Bim

Tóm tắt: Thuật ngữ nhận thức có liên quan đến khả năng hiểu và nhận biết của chúng ta về môi trường. Đối với trẻ sơ sinh, điều này có nghĩa là có được những thông tin cơ bản nhất về các khía cạnh của cuộc sống và về mối quan hệ của trẻ đối với thế giới. Chẳng hạn như, trong năm đầu tiên của cuộc sống trẻ học những dồ vật liên quan đến trọng lượng, kích cỡ, mùi vị và cảm giác. Trong khỏang 18 đến 24 tháng, trẻ bắt đầu phát triển trí tưởng tượng và có thể giả vờ, ví dụ như tưởng tượng búp bê còn sống. Từ 2 tuổi đến 7 tuổi, trẻ trở nên giỏi suy nghĩ với những thuật ngữ trườu tượng và không cần nhìn hoặc sờ đồ vật lâu hơn nhằm nhận biết nó. Trẻ cũng có thể học cách tìm ra những giải pháp giải quyết vấn đề. Sau giai đọan thời thơ ấu, trẻ “bình thường” sẽ có những kỹ năng hơn về suy nghĩ trừu tượng và giai đoạn thời thanh thiếu niên có thể làm những phương trình tóan học, hiểu rằng có thể có nhiều lời giải thích cho cùng một sự kiện và biết nói ẩn ý. Suốt thời thơ ấu, phát triển nhận thức ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển các lĩnh vực khác nhau, nhưng đặc biệt là khả năng  sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Bệnh tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh có cơ sở di truyền học rõ ràng.  Hội chứng này được đặc trưng bởi một kiểu loại hành vi bao gồm sự suy giảm (về) chất lượng trong phát triển ngôn ngữ, kỹ năng truyền đạt, tương tác xã hội, tưởng tượng và vui chơi. Đa số trẻ tự kỷ có một số bất thường về khả năng nhận thức. Sự vận hành của trí tuệ biểu hiện các mức độ khác nhau từ chậm phát triển đến khả năng phát triển vượt trội trong một vài lĩnh vực.

1.      Đặt vấn đề:

Hội chứng bệnh tự kỷ được phát hiện và mô tả vào những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng thực ra hội chứng tự kỷ đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Các tác phẩm văn học phương Tây cổ đại đã nhắc tới những trẻ kỳ lạ, những đứa trẻ “con trời” hay bị “tiên đánh tráo”. Nhiều mô tả về trẻ mà cho tới sau này khi Leo Kanner (1894 - 1981) phát hiện, người ta mới thấy đó chính là những đứa trẻ tự kỷ trong lịch sử [1, tr.6]. Trong cuốn sách “Hiện tượng tự kỷ”, Lorna Wing (1978) đã tìm ra những dấu hiệu rối loạn tự kỷ liên quan đến nhân vật “Sư huynh Juniper”. Theo nhận định của bà, người này có những biểu hiện nhận biết trẻ tự kỷ như: không muốn giao tiếp, tiếp xúc; thờ ơ với mọi người xung quanh; thích những họat động nhàm chán lặp đi lặp lại; không hiểu và đáp lại những tình cảm [2, tr.1]. Tuy chưa khẳng định một cách chắc chắn “Sư huynh Juniper” có bị tự kỷ hay không, nhưng theo mô tả của Lorna Wing cho thấy một số biểu hiện mà ngày nay chúng ta thường gặp ở.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc tự kỷ khá cao trong dân số, bình quân vào khoảng từ 58 đến 60 trẻ tự kỷ (TTK) trên 10.000 trẻ được sinh ra [3, tr.133-136], và có khuynh hướng ngày càng gia tăng nhưng không biết rõ nguyên nhân [4, tr.1]. Theo thông báo của Thượng viện Hoa Kỳ tháng 12 năm 2006, bình quân khoảng 166 trẻ được sinh ra có 1 trẻ bị tư kỷ. Theo báo cáo từ Bộ Y tế Trung Quốc (2006), cả nước Trung Quốc có hơn 1,6 triệu TTK và tỷ lệ còn có thể cao hơn nữa vì nhiều trẻ chưa được chẩn đoán kịp thời. Khái niệm “dịch tự kỷ” đã xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Do TTK là một dạng rối loạn phát triển và có khiếm khuyết về mặt nhận thức nên người lớn gặp khó khăn khi thâm nhập vào thế giới của các em [4, tr.80], điều này dễ dẫn đến quyền lợi của các em không được đảm bảo. Trong khi đó theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1989 và luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Việt Nam năm 2001 đều có chung những ý cơ bản: tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, tôn trọng, giáo dục, vui chơi, phát triển,… như nhau. Như vậy, TTK cũng như các trẻ em khác phải được hưởng những quyền trẻ em, trong đó có quyền được chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và được giáo dục. Ngoài ra chiếu theo luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Việt Nam, TTK còn được xếp vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và được chăm sóc đặc biệt, vì hầu hết TTK gặp khó khăn về nhận thức, khiếm khuyết trong phát triển trí tuệ, gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong học tập, giao tiếp và hòa nhập cộng đồng. Để có cái nhìn cụ thể hơn về khả năng nhận thức của TTK, chúng tôi tiến hành: “Nghiên cứu khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ”.

2.         Mục đích, đối tượng, khách thể, phương pháp nghiên cứu

2.1.      Mục đích nghiên cứu: Xác định đặc điểm và mức độ nhận thức của TTK liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

2.2.      Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu nhận thức của TTK liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

2.3.      Khách thể nghiên cứu: Nghiên cứu 104 TTK đã được chẩn đoán bởi những bác sỹ và các nhà tâm lý ở các cơ sở y tế chuyên thăm khám TTK tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời để làm rõ tình hình nhận thức của TTK, chúng tôi tiến hành nghiên cứu so sánh trên 68 trẻ bình thường (TBT) cùng tuổi ở một số lớp mẫu giáo trên cùng địa bàn TP. Hồ Chí Minh. 

2.4.       Giới hạn phạm vi nghiên cứu: Đề tài chỉ đi sâu nghiên cứu nhận thức của TTK về các hiện tượng liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (đây là những hiện tượng hết sức quen thuộc trong nhận thức và sinh hoạt của trẻ em nói chung). Trên các trẻ có độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh.

2.5.      Các phương pháp nghiên cứu: Xây dựng và áp dụng thang đo nhận thức, sử dụng phương pháp chuyên gia và phương pháp thống kê toán học trong nghiên cứu.

3.         Kết quả nghiên cứu

3.1.            Khả năng nhận thức chung của trẻ tự kỷ.

Để có những hiểu biết rõ hơn về khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu so sánh khả năng nhận thức các nội dung sinh hoạt hàng ngày giữa trẻ bình thường và trẻ tự kỷ.

Kết quả so sánh nhận thức giữa TTK và TBT cho thấy: Đối với mức độ nhận thức rất tốt, số TBT đạt được là 83.3% trong khi ở TTK 1.9%; mức độ nhận thức tốt, số lượng TBT là 16.2%, trong khi có 4.8% TTK đạt được. Ngược lại, đối với mức độ nhận thức kém và rất kém, TTK chiếm 58.7 và 5.8% trong khi đó không có TBT nào rơi vào hai mức độ nhận thức này. Ngay cả mức độ nhận thức trung bình, khi có tới 28.8% TTK thì ở TBT cũng không có trẻ nào (xem bảng 1). Như vậy, khả năng nhận thức kém nhiều so với TBT.

2.1.            Khả năng nhận thức cụ thể của trẻ tự kỷ.

Khả năng giác quan: là khả năng trẻ cảm nhận bằng các cơ quan thụ cảm: nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ, … Một số TTK có những vấn đề liên quan đến giác quan. Theo các nhà nghiên cứu thì trẻ có thể quá nhạy cảm hoặc thiếu nhạy cảm hoặc rối loạn ngưỡng cảm giác trong một số cơ quan giác quan cụ thể. Về thị giác, một số trẻ không thể thấy rõ đồ vật khi nhìn xa hoặc nhìn gần, thích nhìn đồ vật theo một góc nghiêng, quá nhạy cảm hoặc thiếu nhạy cảm với ánh sang thông thường, mù màu, … Khi tiến hành so sánh với TBT cho thấy, trong khi 100% TBT ở mức độ rất tốt thì TTK ở các mức độ khác nhau là: mức độ rất tốt, 54.8%; tốt, 40.4%; trung bình, 3.8%; kém (xem bảng 2). Kết quả này chứng minh rằng, một số TTK có những rối loạn về cảm giác tùy theo các giác quan khác nhau và với mức độ rối loạn khác nhau.

 

Khả năng hiểu yêu cầu của người khác: là khả năng trẻ hiểu những mệnh lệnh, lời nói của người khác và làm theo: Nghe lệnh và làm một động tác, nghe lệnh và đi đến chỗ người khác, nghe lệnh và đưa đồ vật cho người khác, trả lời một câu hỏi, nghe lệnh và phát âm tiếng con vật kêu.Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở mức độ nhận thức rất tốt có 79.4% ở TBT và 6.7% ở TTK (xem bảng 2). Như vậy, khả năng hiểu yêu cầu của người khác TTK hạn chế nhiều so với TBT. Các phụ huynh cho rằng, con họ không hề có phản ứng khi được gọi tên hoặc gọi tên lúc phản ứng lúc không, ngay cả khi trẻ nghe và hiểu yêu cầu của người khác trẻ vẫn không muốn làm theo, chỉ khi người lớn quát to cùng với thái độ nghiêm khắc trẻ mới chịu làm.

Hiểu thông tin cá nhân: là khả năng trẻ biết được những thông tin liên quan đến cá nhân: tên của trẻ, tuổi của trẻ, tên trường học, tên cha, tên mẹ, …Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 104 TTK có 1.9%  trẻ thức hiện rất tốt, 4.8%  trẻ thực hiện tốt, 12.5% trẻ ở mức trung bình, 12.5% trẻ kém và 68.3% trẻ rất kém (xem bảng 2). Trái lại, ở TBT khả năng nhận thức rất tốt có tỷ lệ cao. Như vậy TTK hạn chế nhiều so với TBT trong việc hiểu những thông tin cá nhân.

Khả năng bắt chước hành động:là khả năng trẻ có thể thực hiện theo những cử động hành vi của người khác một cách tự động hay khi được yêu cầu, như: bắt chước dang tay, đá chân, quẹo đầu, cúi người, nhắm mắt, đứng lên và ngồi xuống, … Qua công việc thăm khám, chúng tôi thường nghe các phụ huynh nói con họ không muốn làm theo những hướng dẫn, khi họ tích cực dạy hành động thì đều nhận được sự thờ ơ không quan tâm, nếu họ cố tình ép trẻ làm, trẻ sẽ giận dữ và nổi cáu. Trái lại trẻ thường duy trì những hành vi định hình lặp đi, lặp lại và rất khó lôi kéo sự chú ý của trẻ ra khỏi những hành vi kì dị đó. Những trẻ nào hợp tác bắt chước theo những hành động của người khác tốt thì trẻ đó sẽ dễ dàng cho việc giáo dục và phát triển nhận thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng bắt chước trung bình chiếm đa sồ: 32.7%, nghĩa là những trẻ này có khả năng bắt chước hành động một cách tương đối theo những chỉ dẫn của người lớn và trẻ có thể học tập với sự nỗ lực của người lớn. Ở mức độ bắt chước rất tốt có 29.8%, những trẻ này có thể học tập khá tốt nếu có chương trình phù hợp. Tuy nhiên có 19.2% TTK có khả năng bắt chước hành vi rất kém.

Bắt chước âm thanh: Theo các nghiên cứu ngôn ngữ học, trước khi biết nói trẻ phải biết phát ra các âm thanh khác nhau, phát ra các âm thanh là tiền đề cho việc hình thành ngôn ngữ nói. Trong nghiên cứu này, khả năng bắt chước âm thanh của trẻ là khả năng trẻ có thể bắt chước các âm đơn giản như: tiếng con vật kêu, bắt chước âm một nốt nhạc, bắt chước âm một tiếng động cơ, đọc a-b-c, đếm 1-2-3, đọc một từ đơn. Phần lớn TTK có khó khăn về ngôn ngữ, trong đó có khó khăn về khả năng phát âm. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 40.4% TTK có khả năng rất kém, 14.4% có khả năng kém, 19.2% khả năng tốt và 4.8% ở khả năng rất tốt. Với kết quả này, hầu hết TTK gặp nhiều khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.

Trò chơi sắm vai: là trò chơi trong đó người chơi phải tưởng tượng những tình huống, những sự kiệntrong cuộc sống và đóng những vai phù hợp theo những tình huống hay sự kiện quy định. Trong phần kiểm tra này, chúng tôi đưa ra những tình huống đặc trưng như: đóng vai cha hoặc mẹ, đóng vai cô giáo, đóng vai bác sỹ, đóng vai chú công an, chú công nhân, người bán hàng. Kết quả nghiên cứu có 91.3% TTK ở mức độ rất kém, 3.8% kém, 3.8% trung bình, 1% tốt và không có trẻ nào ở mức độ rất tốt. Kết quả nghiên cứu TBT cho thấy: 27.9% có khả năng sắm vai rất tốt, 38.2% tốt, 23.5% trung bình, kém 8.8% và rất kém 1.5% (xem bảng 2). Số liệu trên cho thấy, khả năng sắm vai đã gặp khó khăn cho cả một số TBT từ 3 đến 6 tuổi, nhưng TTK mới là những người gặp khó khăn nghiêm trọng. Đây là chủ đề khá khó khăn đối với TTK, kể cả những TTK có khả năng cao. Vì đây là khả năng thuộc về nhận thức lý tính, trẻ cần phải có khả năng tư duy hoàn chỉnh mới có thể làm được. Các nhà nghiên cứu cho rằng TTK không biết nói dối, nói bong gió, nói ẩn dụ và có ai nói dối trẻ cũng khó khăn để nhận ra; câu nói của trẻ xuất phát từ những ý nghĩ rất thật về những tình huống trong cuộc sống. Chính vì lý do đó trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đóng vai hay chơi giả vờ. Vì, khi chơi các trò chơi này trẻ phải có khả năng tưởng tượng, sáng tạo.

Biết yêu cầu: là khả năng trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ hay hành vi khiến người khác làm theo ý muốn của mình: muốn một đồ chơi, muốn được ẳm bồng, muốn ăn-uống, muốn người khác chơi chung, muốn đi chơi, muốn xem ti vi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% TBT có kết quả tốt nhất ở chủ đề này. Đây cũng là chủ đề dễ khi có tới 84.6% TTK có khả năng tốt và 13.5% ở mức độ rất tốt. Đây là một chủ đề rất dễ thực hiên. Các phụ huynh cho rằng khi TTK muốn gì không chỉ tay hay nhìn vào mặt người lớn để yêu cầu, mà trẻ luôn cầm tay người lớn đẩy về phía có đồ vật mà trẻ thích hoặc kéo tay người khác đến chỗ trẻ cần. Trẻ coi tay người lớn như một công cụ để thỏa mãn yêu cầu của trẻ hơn là coi họ như một con người. Trẻ nghĩ rằng bàn tay chính là công cụ giúp trẻ chứ không phải khuôn mặt, ánh mắt hay sự chú ý của người lớn. Trái lại TBT muốn gì thường lôi kéo sự chú ý của người lớn trước, sau đó sẽ sử dụng ngôn ngữ hoặc dùng ngón trỏ chỉ về phìa vât trẻ cần.

Khả năng tham gia nhóm: là khả năng trẻ hòa nhập, vui chơi, sinh hoạt, hòa đồng cùng các thành viên trong nhóm theo một hoạt động nhất định: Chỉ cho người khác biết việc cần làm, biết chờ đợi khi chưa đến lượt, hỗ trợ nhau thực hiện một việc, chú ý theo dõi cuộc chơi, hòa đồng cùng mọi người, đưa đồ vật cho người khác. Số liệu kiểm tra cho thấy, ở mức độ rất tốt, trong khi không có một TTK nào đạt được thì lại có tới 70.6% TBT; trái lại, ở mức độ rất kém trong khi không có TBT rơi vào, thì lại có tới 51.9% TTK (xem bảng 2). Có thể nói, chủ đề tham gia nhóm là chủ đề khó khăn của TTK, vì tham gia nhóm là hoạt động đặc trưng nhất mang tình quan hệ xã hội, mà TTK lại gặp khó khăn nhất ở vấn đề này. Các phụ huynh cho rằng: con họ thích chơi một mình, không thích kết bạn và tránh giao tiếp hoặc ngoài cha mẹ ra trẻ không thích chơi với ai, có trẻ chỉ thích chơi với các trẻ lớn hơn và không thích chơi với trẻ ít tuổi hơn hay trẻ cùng tuổi, đến lớp học trẻ chỉ thích chơi ở một góc phòng với một số đồ chơi, không tham gia vào sinh hoạt của lớp. khác với TBT, vì chơi là một nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của trẻ.

Hiểu nề nếp lớp học: là khả năng trẻ hiểu và thực hiện theo những quy định mang tính ràng buộc của lớp học mà tất cả các thành viên phải tuân theo: Tự chào cô khi đến trường, để cặp táp-giày-mũ đúng chỗ, theo thứ tự khi cô xếp hàng, tập trung chú ý khi cô hướng dẫn, ngồi yên tại chỗ trong giờ học, đi vệ sinh đúng nơi quy định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số TTK đạt mức trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất: 43.3%, kém là: 27.9%, rất kém là: 16.3%, có 12.5% tốt và không có trẻ nào ở mức độ rất tốt. Khi so sánh với TBT cho thấy, ở mức độ nhận thức rất tốt không có TTK và có 75.0% TBT; mức độ nhận thức rất kém có 16.3% TTK và không có TBT nào (xem bảng 2).  Tuy nội dung hiều nề nếp lớp học không quá khó, vì nó là hoạt động xảy ra hàng ngày ở trường học, nên có nhiều trẻ thực hiện tốt. Tuy nhiên, khi so sánh với TBT, TTK có những hạn chế rõ ràng.           Thông thường các cô giáo cho rằng, trẻ hầu như không muốn hợp tác, ít khi tuân thủ theo các quy định của lớp. Để tập cho trẻ một thói quen sinh hoạt mất rất nhiều thới gian và thường phải chia nhỏ từng bước để thực hiện. Nếu giáo viên hướng dẫn không kiên trì và có phương pháp thích hợp rất khó để thành công.

Nhận biết chủng loại:  là khả năng trẻ gọi tên các đồ vật khi biết chủ đề chủng loại của nó là gì: Kể tên các màu, kể tên các loài hoa, kể tên các loại quả, kể tên các con vật, kể tên các loại thức ăn, kể tên các loại nghề. Quá trình nhận thức chủng loại là quá trình trẻ phải huy động khả năng của trí nhớ và thực hiện các thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, khái quát hóa nhắm tìm ra những chủng loại đồ vật dựa trên một số đặc điểm tương đồng. Trong nhận thức chủng loại có 78.8% TTK ở mức độ rất kém và có 1% ở mức độ rất tốt. Trong khi đó ở TBT có 33.8% ở mức độ rất tốt, 33.8% ở mức độ tốt, 20.6% ở mức trung bình và có 1.5% ở mức độ rất kém (xem bảng 2). Đây được coi là chủ đề khó, nên có phần lớn TTK không có khả năng nhận biết về chủ đề chủng loại. Đối chiếu với KNNT của TBT, TTK có hạn chế nghiêm trọng trong nhận biết chủng loại.

Khả năng học toán: Trong chủ đề này, chúng tôi kiểm tra trẻ một số kiến thức đơn giản liên quan đến toán học: Phân biệt số lớn số nhỏ, đếm đồ vật, nhận biết chữ số, ghép số với số đồ vật, biết làm phép cộng dưới 10, hiểu thêm vào, bớt đi. Toán học là một chủ đề liên quan đến khả năng tư duy. Nếu trẻ em có khả năng học toán tốt sẽ có khả năng tư duy tốt và có nhiều cơ hội tốt trong phát triển nhận thức. Kết quả kiểm tra cho thấy: ở mức độ nhận thức rất tốt có 14.7% TBT và 1% TTK, nhận thức tốt có 33.8% TBT và 1% TTK, khả năng trung bình có 8.8% TBT và 3.8% TTK, kém có 30.9% TBT và 14.4% TTK, rất kém có 11.8% TBT và 79.8% TTK. Như vậy là không phải chỉ có TTK gặp khó khăn trong lĩnh vực này, mà cả trẻ bình thương cũng có một số lượng lớn gặp khó khăn 30.9% kém và 11.8% rất kém. Tuy nhiên khi so sánh giữa TBT và TTK, thì TTK gặp khó khăn nhiều hơn, khi có 79.8% ở mức độ rất kém.

Khả năng học đọc:  là khả năng trẻ có thể đọc được chữ viết và đọc theo lời nói: Nhận biết chữ cái, biết chữ in hoa và chữ in thường, biết đánh vần, đọc từ đơn, nhắc lại câu người khác vừa đọc, đọc thuộc lòng một bài thơ 4 câu. Trong quá trình đọc, trước hết người đọc phải phát triển bình thường khả năng thị giác, thình giác và khả năng phát âm. Theo các nhà nghiên cứu về TTK, phần lớn TTK có các vấn đề về giác quan và khả năng phát âm. Do đó có thể TTK sẽ gặp khó khăn trong lĩnh vực này. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 74.0% TTK có khả năng rất kém, 12.5% kém, có 1.9% tốt và 1% rất tốt. Với sự chênh lệch quả lớn ở hai mức độ tốt và kém trên cho thấy khả năng học đọc của TTK là vô cùng hạn chế.

Khả năng tự phục vụ: là khả năng trẻ thực hiện các hoạt động liên quan đến tự chăm sóc bản thân:Tự mặc áo, tự mang giày, tự rửa tay, lau tay, tự đi vệ sinh, tự xúc ăn, tự đánh răng. Kết quả thu thập từ nghiên cứu cho thấy, có 30.8% trẻ có khả năng tự phục vụ ở mức trung bình, 22.1% kém và 18.3 rất kém, khả năng phục vụ tốt có 20.2% và 8.7% rất kém. Như vậy là số lượng TTK kém và rất kém cao gần gấp đôi số trẻ ở mức độ tự phục vụ tốt và  rất tốt. Thực tế, các bậc phụ huynh không coi trọng hoạt động này như hoạt động học tập nâng cao kiến thức. Nhưng thực ra đây là hoạt động quan trọng nhất, ưu tiên nhất trong can thiệp ở TTK. Vì chỉ khi trẻ đạt khả năng tốt trong tự chăm sóc bản thân mới có thể giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các tổ chức xã hội với tư cách là một cá nhân mang đầy đủ ý nghĩa của một con người.

Kỹ năng phối hợp tay mắt: là khả năng trẻ thực hiện các vận động tinh tế của đôi bàn tay kết hợp với sự điều khiển tinh tế của đôi mắt, như: Đánh trống, xếp khối gỗ, bỏ hạt đậu vào chai, xâu hạt, thả khối gỗ, buộc dây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 51.0% TTK có khả năng tốt và 36.5% đạt mức độ trung bình. Như vậy, so với các nội dung khác, ở nội dung này TTK có những tiến bộ vượt trội, mặc dù đây chưa phải là nội dung dễ, vì TBT cũng chỉ đạt 44.1% ở mức độ rất tốt, chứ không phải trên 70% hay 100% như đa số nội dung khác. Trong nội dung này, cho dù TTK không đạt được kết quả như TBT, nhưng với kết quả trên cho thấy, TTK có kỹ năng khá trong việc phối hợp tay mắt. Các phụ huynh cho rằng, con họ rất khéo trong một số vận động mà trẻ yêu thích, như xoay tròn một số vật, búng các ngón tay, xếp các khối gỗ, ghép hình, thao tác bàn phím máy vi tính, vẽ, …

Biết sử dụng đồ đạc: là khả năng trẻ biết được một số công dụng của đồ vật và thao tác theo công dụng của đồ vật đó: Đóng mở cửa, bật ti vi, bật quạt máy, biết mở cặp táp, cầm bút vẽ, sử dụng thìa (muổng). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 51.0% TTK có khả năng rất tốt, 43.3% tốt và 4.8% trung bình, không có trẻ nào kém và rất kém. Như vậy chúng ta thấy khả năng sử dụng các đồ đạc được nên trên là khá tốt. Hầu hết TTK đều ít nhiều biết sử dụng đồ đạc, gần 100% có khả năng sử dụng tốt và rất tốt. Trong quá trình thăm khám, các phụ huynh cho rằng con họ rất bình thường trong việc sử dụng các đồ đạc trong nhà như: sử dụng quạt điện, ti vi, đầu máy, nghe nhạc, …Có một số phụ huynh cho rằng trẻ có khả năng rất tốt khi sử dụng máy vi tình hay điện thoại di động.

Khả năng kể chuyện: là khả năng trẻ sử dụng ngôn ngữ nói tái hiện lại những sự kiện hay câu chuyện trẻ đã từng nghe và từng đọc được trước đây, như: Kể một sự kiện xảy ra gần nhất, nêu tên nhân vật trong một câu chuyện, kể một câu chuyện bé biết, tóm tắt một câu chuyện, biết biểu cảm trong khi kể chuyện, nhận xét và đánh giá câu chuyện. Kết quả nghiên cứu ở mức độ tốt và rất tốt có trên 30% TBT và không có TTK nào đạt được, trái lại, ở mức độ rất kém có 11.8% TBT và 95.2% TTK (xem bảng 2). Các giáo viên cho rằng, khi dạy TBT về nội dung kể chuyện, trẻ có khả năng nắm bắt rất nhanh và nhậy cảm; còn khi dạy TTK, hầu như trẻ không thể nắm bắt được, không hiểu và không thể diễn đạt; nếu TTK nào có khả năng này thì đó là trẻ có khả năng nhận thức rất tốt hay trẻ bị tự kỷ rất nhẹ.

Khả năng biết biểu hiện cảm xúc: là khả năng trẻ có thể biểu hiện cảm xúc của mình ra ngài: Vui, buồn, giận, ngạc nhiên, lo lắng, sợ hãi. Kết quả nghiên cứu TTK cho thấy, ở mức độ trung bình có tỉ lệ TTK chiếm cao nhất là 79.8% và thấp nhất là ở mức độ rất kém: 1%. So với các nội dung khác thì đây cũng không phải là kết quả thấp đối với TTK. Do đó, các hình thức biểu cảm như: Vui, buồn, giận, ngạc nhiên, lo lắng, sợ hãi, …đều xuất hiện ở TTK khi trẻ phản ứng với môi trường xung quanh.

Biết giả vờ: là khả năng trẻ tưởng tượng và tái tạo ra những tình huồng hay sự kiện liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: Giả bộ cười, giả vờ ăn, giả vờ uống, giả vờ làm một việc, giả vờ khóc, giả vờ ngủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở mức độ rất tốt, có 3.8% TTK và có 91.2% TBT; trái lại ở mức độ nhận thức rất kém, trong khi không có TBT nào, thì lại có tới 50.0% TTK (xem bảng 2). Kết quả trên cho thấy, trong khả năng giả vờ, TTK có hạn chề nghiêm trọng so với TBT.

Biết chức năng đồ vật: là khả năng trẻ có thể hiểu và nói ra công dụng của đồ vật ấy: Cái ghế để làm gì, cây bút để làm gì, cái mũ để làm gì, qụat máy để làm gì, đôi đũa để làm gì, cái khăn để làm gì.  xem đồ vật có tác dụng gì. Kết quả trên cho thấy, ở mức độ rất tốt có 83.5% TBT và 5.8% TTK; trái lại, ơ mức độ nhận thức rất kém, trong khi trẻ TTK là 81.7%, thì trẻ bình thường chỉ có 1.5%. Với số phần trăm chênh lệch này, TTK hạn chế nhiều so với TBT trong nhận biết chức năng đồ vật.

Biết chức năng bộ phận cơ thể: là khả năng trẻ có thể hiểu và nói ra nhiệm vụ của bộ phận cơ thể đó: Mắt để làm gì, tai để làm gì, miệng để làm gì, chân để làm gì, tay để làm gì, răng để làm gì. Kết quả nghiên cứu cho thấy, TTK chiếm tỉ lệ cao ở mức độ rất kém: 84.6% TTK; trái lại TBT, có tỉ lệ cao ở mức độ rất tốt: 88.2%. Như vậy khả năng nhận biết chức năng bộ phận cơ thể ở TBT tốt hơn nhiều so với TTK.

Biết chức năng của nghề: là khả năng trẻ hiểu và cho biết nghề đó sẽ làm gì,như: Bác sỹ làm gì, giáo viên làm gì, công nhân làm gì, cảnh sát làm gì, phi công làm gì, nông dân làm gì. Trong số 104 TTK, có 89.4% trẻ ở mức độ rất kém và 1% ở mức độ tốt,  rất tốt. Kết quả này cho thấy TTK rất kém trong nhận biết chức năng của nghề.

Khả năng xử lý tình huống thông thường: là khả năng trẻ có thể ứng phó một cách phù hợp với các tình huống thông thường trong cuộc sống: Dùng phương tiện để lấy đồ vật ngoài tầm tay, mắc cỡ khi làm một việc không phù hợp, phản ứng bảo vệ khi bị người khác xâm phạm, biết che dấu lỗi khi làm sai, có ý sửa chữa một đồ vật bị hư, chỉ cho người khác cách hành động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở mức độ rất tốt có 60.3% TBT và không có TTK, ở mức độ tốt có 32.4% TBT và 3.8% TTK, ở mức độ trung bình có 5.9% TBT và 49% TTK, ở mức độ kém không có TBT và có 49% TTK, ở mức độ rất kém có 1.5% TBT và 21.2% TTK (xem bảng 2). Như vậy phấn lớn TTK tập trung vào mức độ trung bình và kém trong khi đó TBT chủ yếu tập trung vào mức độ tốt và rất tốt. So sánh kết quả cho thấy, TBT có khả năng xử lý tình huống tốt hơn nhiều so với TTK.

Sự phát triển nhận thức của trẻ hết sức bất thường, so sánh nhận thức xét trên mặt bằng chung là thấp hơn trẻ bình thường cùng tuổi. Đồng thời sự tiến triển nhận thức cũng không phát triển theo logic thông thường, vì ngoài chậm phát triển, trẻ còn có biểu hiện rối loạn phát triển. Hầu hết trẻ tự kỷ có những rối loạn trong việc cảm nhận giác quan, trẻ tự kỷ không thích giao tiếp cũng như trải nghiệm các tình huống xã hội, trẻ thích chơi một mình hơn là chơi với bạn cùng lứa. Hầu hết trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong hiểu và biểu đạt ngôn ngữ. Khả năng chơi tưởng tượng hay giả vờ. Do trẻ tự kỷ không quan tâm đến giao tiếp và quan hệ xã hội nên trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu và biểu đạt xúc cảm, tình cảm, cũng như các kỹ năng sống và tự phục vụ bản thân. Từ những đặc điểm trên, chúng ta thấy trẻ tự kỷ có những khác biệt nhất định về khả năng tiếp nhận thông tin, lĩnh hội thông tin và xử lý thông tin, ... so với trẻ bình thường. Như vậy là trẻ tự kỷ có khác biệt về mặt nhận thức.

2.Kết luận, khuyến nghị

2.1.            Kết luận

Hầu hết TTK gặp khó khăn nghiêm trọng trong nhận thức liên quanđến sinh hoạt hàng ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, TTK gặp khó khăn nhất liên quan đến những lĩnh vực sau: Khả năng tham gia nhóm, trò chơi sắm vai, hiểu nề nếp lớp học, khả năng kể chuyện, khả năng xử lý các tình huống thông thường, …Tuy nhiên, trong 22 lĩnh vực trên, TTK cũng có khả năng nhận thức khá liên quan đến các lĩnh vực như: khả năng giác quan, biết xử dụng đồ đạc, bắt chước hành động, biết yêu cầu, khả năng tự phục vụ…

Do mức độ tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ, nên trẻ tự kỷ có khả năng nhận thức kém nhiều so với trẻ bình thường cùng tuổi. Trẻ tự kỷ có khả năng nhận thức khá hơn ở những nội dung có tính trực quan và gần gũi với cuộc sống của trẻ và trẻ gặp khó khăn trong nhận thức những sự vật xa lạ hay hình ảnh mang tính trừu tượng; Trẻ tự kỷ rất kém trong các nội dung liên quan đến quan hệ giao tiếp và trẻ có khả năng tốt hơn đối với những nội dung liên quan đến thực hiện hành vi.

2.1.       Khuyến nghị

Cần có những hình thức tuyên truyền hiệu quả nhằm phát hiện sớm HCTK ở trẻ. Trong quá trình trị liệu cần đánh giá chính xác tình trạng tự kỷ và mức độ nhận thức của từng trẻ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình can thiệp phù hợp. Để nâng cao khả năng nhận thức, các cơ sở trị liệu cho TTK cần phải kết hợp sáng tạo nhiều phương pháp can thiệp vào trị liệu cho TTK, đồng thời nên kết hợp chặt chẽ với gia đình trẻ trong quá trình trị liệu.

Do TTK gặp khó khăn nhất liên quan đến những lĩnh vực: Khả năng tham gia nhóm, trò chơi sắm vai, hiểu nề nếp lớp học, khả năng kể chuyện, khả năng xử lý các tình huống thông thường,… Đây là những nội dung liên quan chủ yếu đến khả năng tương tác, giao lưu xã hội của trẻ tự kỷ. Do đó trong can thiệp, các nhà chuyên môn hết sức lưu ý đến các lĩnh vực này khi xây dựng chương trình can thiệp cho trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Volkmar F.R., Paul R., Klin A., Cohen D. (2005), Handbook of Autism and Pervasive Developmental Disorders, Volume Two, Published by John Wiley & Sons, Inc., U.S.A.

2.      Wing L. (1998), The Autistic Spectrum, Constable and Company Limited, London.

3.      Kliegman R.M. and Behrman R.E., Nelson (2007), Textbook of Pediatrics,  Volume 1.

4.      Võ Nguyễn Tinh Vân (2002), Nuôi Con Bị Tự Kỷ, Nxb Bamboo, Australia.

5.      Powers M.D. (2000), Children with Autism , Woodbine House, U.S.A.

6.      Câu lạc bộ gia đình có trẻ tự kỷ, Trung tâm đào tạo và phát triển giáo dục


Hỗ trợ trực tuyến

Tiến Sĩ: Đỗ Thị Thảo

0912720496 - 0983889552

Hiệu Trưởng: Đỗ Thị Thường

0948458285 - 0968622900

P.Hiệu Trưởng: Nhữ Thị Lưu

0986088658

 

Từ khóa: